ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ TĨNH
Số: 21 /KH-UBND |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
TP. Hà Tĩnh, ngày 02 tháng 02 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
Phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới
của virus Corona tại thành phố Hà Tĩnh năm 2020
Thực hiện Công điện số 2005/CĐ-TU ngày 31/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Công điện số 1436/CĐ-Th.U ngày 31/01/2020 của Ban thường vụ Thành ủy về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, UBND thành phố xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona tại thành phố Hà Tĩnh năm 2020 với các nội dung trọng tâm sau:
I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH
1. Tình hình chung
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh nhiễm Bộ Y tế, đến 6 giờ 00, ngày 31/01/2020 tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) trên thế giới cụ thể như sau:
- Tổng số trường hợp mắc: 9.807, trong đó tại Trung Quốc: 9.692, số trường hợp tử vong: 213.
- Số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc: Thái Lan: 14(trường hợp), Australia: 9 (trường hợp), Singapore: 10 (trường hợp), Mỹ: 6 (trường hợp), Nhật Bản : 11 (trường hợp), Malaysia: 8 (trường hợp), Hàn Quốc: 4 (trường hợp), Pháp: 5 (trường hợp), Việt Nam: 5 (trường hợp), Campuchia: 1 (trường hợp), Canada: 3 (trường hợp), Đức: 4 (trường hợp), Nepal: 1 (trường hợp), Sri Lanka: 1(trường hợp), Hồng Kông, Trung Quốc: 10 (trường hợp), Macau, Trung Quốc: 7 (trường hợp); Đài Loan, Trung Quốc: 9 (trường hợp), các tiểu Vương quốc Ả rập 4 (trường hợp), Phần Lan: 01(trường hợp),
Tại Việt Nam, ngày 31/01/2020 đã ghi nhận 05 trường hợp bệnh xâm nhập là công dân Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc và đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện tại, sức khỏe hai bệnh nhân ổn định và tiếp tục được theo dõi sát trong phòng cách ly. Hiện chưa có công dân Việt Nam, cán bộ y tế nào bị lây nhiễm bệnh.
Tại thành phố Hà Tĩnh, ngày 29/01/2020 ghi nhận 01 trường hợp nghi mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona Bệnh nhân đi từ Tân Cương - Trung Quốc về cách đây 10 ngày, biểu hiện lâm sàng: Ho, sốt. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh).
2. Nhận định dự báo
Bệnh nhân đi từ vùng có dịch về, trong thời gian ủ bệnh trùng vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 bệnh nhân đi lại, tiếp xúc với nhiều người trong cộng đồng. Bên cạnh đó điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn thành phố rất cao.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn, không để bệnh nhân tử vong, hạn chế mức thấp nhất các ca mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại thành phố Hà Tĩnh:
Yêu cầu của tình huống này là giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ đầu tiên, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan.
Phương thức giám sát trong tình huống này là điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát (theo định nghĩa trường hợp bệnh nghi ngờ). Giám sát tại cơ sở điều trị và tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2.2.Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào địa bàn thành phố Hà Tĩnh:
Yêu cầu của tình huống này là phát hiện sớm các trường hợp bệnh có liên quan đến trường hợp bệnh xác định đã xâm nhập để cách ly, theo dõi, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.
Phương thức giám sát trong tình huống này cụ thể như sau:
- Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa.
- Giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.
- Tiếp tục thực hiện giám sát tại cơ sở điều trị và tại cộng đồng theo hướng dẫn quy định của Bộ Y tế.
2.3. Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng:
Yêu cầu của tình huống này là phát hiện sớm các trường hợp bệnh mắc mới trong cộng đồng, thiết lập khu vực hạn chế (vùng dịch), xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng.
Phương thức giám sát trong tình huống này cụ thể như sau:
- Ở các địa phương chưa ghi nhận trường hợp bệnh: Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa trường hợp bệnh.
- Ở các ổ dịch đã được xác định: Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 3-5 trường hợp bệnh phát hiện đầu tiên.
- Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm những bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện.
Ở cả 3 tình huống, tất cả các trường hợp tử vong nghi do mắc nCoV đều phải được điều tra, báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
Tiếp tục duy trì việc giám sát tại cơ sở điều trị và tại cộng đồng theo hướng dẫn quy định của Bộ Y tế.
III. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại thành phố Hà Tĩnh.
1.1. Công tác chỉ đạo điều hành:
Ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh; Chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ca nghi ngờ dịch.
Thường xuyên báo cáo tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện các chỉ đạo của cấp trên.
Tổ chức các đoàn kiển tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng thu dung điều trị, xử lý ổ dịch tại cơ sở.
1.2. Công tác giám sát, dự phòng:
- Duy trì và cũng cố hệ thống giám sát dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona từ cơ sở đến thành phố.
- Thực hiện giám sát chặt chẽ đối với các trường hợp người dân đi từ Trung Quốc về đang có mặt trên địa bàn.
- Cập nhật liên tục thông tin về tiêu chuẩn định nghĩa trường hợp bệnh, đặc điểm dịch tể học, tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.
- Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.
1.3. Công tác điều trị:
- Các cơ sở khám chữa bệnh chủ động sẵn sàng cơ số thuốc điều trị, giường bệnh, trang thiết bị phòng hộ; Thiết lập khu vực cách ly tại các cơ sở y tế, sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân.
- Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
- Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám chữa bệnh.
- Thường xuyên cập nhật về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh theo hướng dẫn của cấp trên; Tổ chức tập huấn và triển khai thực hiện.
1.4. Công tác tuyên truyền:
- Cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Truyền thông kịp thời, chính xác để không gây hoang mang trong nhân dân.
- Triển khai truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Truyền thông trực tiếp qua các nhóm nhỏ; các ban, ngành, đoàn thể; Trên đài phát thanh, hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thôn, khối phố; …
- Cập nhật, bổ sung các thông điệp truyền thông, các tài liệu truyền thông, khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch cho các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Phối hợp quản lý phòng tránh các suy đoán sai lệch trong thông tin, giải quyết các tin đồn sai lệch; Giải quyết nhanh các tin đồn, thông tin nhầm lẫn gây lo lắng, sợ hãi trong nhân dân.
1.5. Công tác hậu cần:
- Rà soát, chuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện và các trang thiết bị cần thiết sẵn sàng phòng chống dịch.
- Đảm bảo chế độ, chính sách cho người tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch và điều trị chăm sóc bệnh nhân.
- Xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch.
2.Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào địa bàn thành phố Hà Tĩnh
2.1. Công tác chỉ đạo điều hành:
Ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh; Chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ca nghi ngờ dịch.
Theo dõi sát diễn biến tình hình, đánh giá hàng ngày, tham mưu kịp thời với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố để chỉ đạo triển khai phòng chống dịch.
Thường xuyên báo cáo tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện các chỉ đạo của cấp trên.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.
Tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo theo diễn biễn tình hình dịch bệnh xảy ra.
2.2. Công tác giám sát, dự phòng:
- Các thành viên Ban Chỉ đạo theo sự phân công trực tiếp xuống địa phương địa bàn mình phụ trách, kịp thời nắm bắt tình hình báo cáo về Thường trực Ban Chỉ đạo.
- Duy trì và cũng cố hệ thống giám sát dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona từ cơ sở đến thành phố.
- Tổ chức theo dõi giám sát tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 14 ngày; Cách ly những trường hợp nghi ngờ, lấy mẫu gửi xét nghiệm chẩn đoán; Hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh.
- Thực hiện giám sát chặt chẽ đối với các trường hợp người dân đi từ Trung Quốc về trong vòng 14 ngày đang có mặt trên địa bàn.
- Đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở y tế và cộng đồng, tổ chức điều tra giám sát phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
2.3. Công tác điều trị:
- Bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh chủ động sẵn sàng cơ số thuốc điều trị, giường bệnh; Tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ Y tế tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra lây nhiễm sang cán bộ Y tế.
- Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh; Các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
2.4. Công tác tuyên truyền:
- Cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng; Truyền thông kịp thời, chính xác, có tính đặc trưng và có thể thực hiện được cho mỗi tình huống dịch để không gây hoang mang trong nhân dân.
- Triển khai truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Truyền thông trực tiếp qua các nhóm nhỏ, các ban ngành, đoàn thể; Trên đài phát thanh, hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thôn, khối phố; …
- Cập nhật, bổ sung các thong điệp truyền thông, các tài liệu truyền thong, khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch cho các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thong tin đại chúng
- Phối hợp quản lý phòng tránh các suy đoán sai lệch trong thông tin, giải quyết các tin đồn sai lệch; Giải quyết nhanh các tin đồn, thông tin nhầm lẫn gây lo lắng, sợ hãi trong nhân dân.
2.5. Công tác hậu cần:
- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch để hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
- Đảm bảo chế độ, chính sách cho người tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch và điều trị chăm sóc bệnh nhân.
- Xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài.
3. Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng
3.1. Công tác chỉ đạo điều hành:
Chỉ đạo, huy động các nguồn lực, tập trung triển khai các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn.
Báo cáo, đánh giá hàng ngày diễn biến tình hình dịch, tham mưu kịp thời với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố để chỉ đạo triển khai phòng chống dịch.
Ban hành các văn bản chỉ đạo công tác triển khai phòng chống dịch theo diến biến cụ thể của tình hình dịch.
Tổ chức các đoàn kiển tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.
Thường xuyên đánh giá hiệu quả các biện pháp đáp ứng để điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp tình hình thực tế.
3.2. Công tác giám sát, dự phòng:
- Triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc.
- Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm phổi có yếu tổ dịch tể liên quan tại các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng. .
- Duy trì hoạt động giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở y tế và cộng đồng, tổ chức điều tra giám sát phát hiện ổ dịch mới, khoanh vùng, xử lý triệt để không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
- Đánh giá nguy cơ thường xuyên để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp và hiệu quả.
- Thường trực phòng chống dịch 24/24h tại các đơn vị y tế từ thành phố đến cơ sở. Huy động tốt đa lực lượng nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch.
3.3. Công tác điều trị:
- Chủ động triển khai kế hoạch thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ Y tế tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng nhiễm sang cán bộ Y tế. Huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực tham gia phòng, chống dịch; Sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho y tế cơ sở.
- Thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế theo đúng quy định. Tập trung tối đa nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để điều trị cho bệnh nhân hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
- Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám chữa bệnh; Các đôi cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán, điều trị, kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
3.4. Công tác tuyên truyền:
- Cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng; Truyền thông kịp thời, chính xác, có tính đặc trưng và có thể thực hiện được cho mỗi tình huống dịch để không gây hoang mang trong nhân dân.
- Triển khai truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Truyền thông trực tiếp qua các nhóm nhỏ, các ban ngành, đoàn thể; Trên đài phát thanh, hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thôn, khối phố; …
- Cập nhật, bổ sung các thông điệp truyền thông, các tài liệu truyền thông, khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch cho các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng
- Khuyến cáo các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày và đo thân nhiệt hàng ngày. Trường hợp có dấu hiệu nghi mắc bệnh thì phải đến ngay cơ sở y tế để được khám tư vấn và điều trị kịp thời.
- Phối hợp quản lý phòng tránh các thông tin sai lệch; Giải quyết nhanh các tin đồn, thông tin nhầm lẫn gây lo lắng, hoang mang trong nhân dân.
3.5. Công tác hậu cần:
- Phân bổ kinh phí kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
- Đảm bảo chế độ, chính sách cho người tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch và điều trị chăm sóc bệnh nhân.
- Rà soát, xác định rõ nhu cầu thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch ở các tuyến.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Phòng Y tế:
- Tham mưu với UBND thành phố ban hành các văn ban chỉ đạo và triển khai kế hoạch ứng phó dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.
- Căn cứ vào diễn biến về tình hình dịch bệnh cụ thể, kịp thời đề xuất với UBND thành phố triển khai các phương án chống dịch phù hợp.
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng; Bệnh viện Đa khoa thành phố thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn quy định của Bộ Y tế.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức triển khai thực hiện của các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường, xã trong công tác giám sát phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona.
- Tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thành phố xử lý các vi phạm liên quan trong việc buôn bán, kinh doanh vật tư trang thiết bị phòng chống dịch bệnh và đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống dịch của các địa phương, đơn vị.
2. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố:
- Chỉ đạo các Trạm y tế phường, xã tham mưu với Ban Chỉ đạo cấp xã triển khai công tác phòng chống dịch tại địa phương.
- Thường xuyên cập nhật báo cáo UBND thành phố diễn biến tình hình dịch bệnh, xây dựng kế hoạch chi tiết hoạt động chuyên môn phòng chống dịch.
- Kiện toàn Đội cơ động phòng chống dịch có đủ phương tiện, trang bị hoá chất sẵn sàng triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Hướng dẫn hỗ trợ các Trạm Y tế xã, phường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp.
- Chủ động giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ca nghi mắc bệnh tại thôn, tổ dân phố để khoanh vùng và xử lý kịp thời.
- Triển khai hoạt động xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona.
- Chỉ đạo Trạm Y tế các xã phường về chuyên môn kỷ thuật, đôn đốc các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm chế độ khai báo, thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm quy định tại Thông tư số 54/TT/2015/TT- BYT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch theo quy định.
- Lập dự trù kinh phí, vật tư, hoá chất và các phương tiện cần thiết đảm bảo cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
3. Bệnh viện đa khoa thành phố:
- Thực hiện đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona ban hành kèm theo Quyết định số: 125/QĐ-BYT ngày 16/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Kiện toàn Đội cấp cứu lưu động của đơn vị; kiểm tra, luân chuyển, bổ sung cơ số thuốc phòng chống dịch đảm bảo đáp ứng yêu cầu; Tổ chức thường trực chống dịch 24/24 giờ và báo cáo công tác tiếp nhận, xử lý các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Corona (vào lúc 17h) hằng ngày về phòng y tế.
- Bố trí khu vực cách ly để sẵn sàng thu dung, điều trị, tiếp đón bệnh nhân.
- Tổ chức đón tiếp và phân luồng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện. Triển khai các biện pháp phòng lây nhiễm cho nhân viên Y tế, người bệnh và cộng đồng, triển khai phương án sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu điều trị.
4. Phòng Giáo dục - Đào tạo:
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong các trường học.
- Chỉ đạo các trường học giám sát các bệnh truyền nhiễm trong nhà trường, khi phát hiện trường hợp nghi mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona khai báo theo đúng hướng dẫn quy định của Bộ Y tế để phối hợp xử lý; Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona cho cán bộ giáo viên, phụ huynh và học sinh;
5. Phòng Văn hoá-Thông tin, TT văn hóa-Truyền thông thành phố:
Phổ biến rộng rãi kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng từ thành phố đến các phường, xã, chỉ đạo địa phương thực hiện lồng ghép “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” với phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân”. Phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức thực hiện tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tăng thời lượng tin bài để mọi người dân hiểu và thực hiện.
Tham mưu kiểm tra xử lý người đưa tin, phát tán tin về dịch Corana (nCov) không đúng sự thật, tạm dừng tổ chức các Lễ hội, các hoạt động Văn hóa thể thao nơi tập trung đông người.
Phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Tổ chức thực hiện tuyên truyền, tăng thời lượng tin bài để mọi người dân hiểu và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hoá các loại hình truyền thông nhằm truyền tải các thông tin về dịch bệnh đến với người dân.
6. Phòng Tài nguyên - Môi trường:
Tăng cường chỉ đạo triển khai tốt công tác thu gom quản lý nguồn chất thải, rác thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm tra giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sơ sản xuất, khu vực đông dân cư; phối hợp với cơ quan Y tế hướng dẫn công tác xử lý môi trường trong vùng khi có dịch xảy ra.
7. Phòng Tài chính - Kế hoạch: Chủ trì phối hợp với các đơn vị Y tế và các cơ quan tham mưu cho UBND thành phố bố trí kinh phí hướng dẫn sử dụng, thanh quyết toán các khoản kinh phí phòng chống dịch theo đúng quy định.
8. Phòng Kinh tế:
Phối hợp với phòng Y tế và các phòng, ban, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh về trang thiết bị y tế lợi dụng dịch bệnh để tăng giá.
9.Phòng Lao động - Thương binh:
Phối hợp với Sở Lao động chi đạo các phường, xã rà soát nắm rõ số lượng người lao động thành phố đang ở Trung Quốc đồng thời khuyến cáo cho người lao động chưa sang Trung Quốc để lao động buôn bán cho đến khi Trung Quốc công bố khống chế, kiểm soát được dịch Corona (nCoV).Thống kê, tổng hợp chính xác số lao động là người thành phố đang làm việc ở Trung Quốc và lao động Trung Quốc về quê dịp tết trở lại làm việc trên địa bàn, phối hợp với Bệnh viện đa khoa thành phố kiểm tra sức khỏe để có biện pháp cách ly nếu nghi ngờ nhiếm Corona (nCoV) kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý và tham mưu các giải pháp để phòng chống dich bệnh.
10. Công an thành phố: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là quản lý người nhập cư trái phép, người nước ngoài vào địa bàn thành phố, xử lý các trường hợp phát tán thông tin không đúng sự thật về dịch bệnh vi rút corona (nCov)
11. Các cơ quan, ban, ngành có liên quan: Tuyên truyền vận động cán bộ thuộc cơ quan, ban, ngành mình triển khai thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona tại đơn vị, địa phương và hộ gia đình.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị mình thực hiện lồng ghép các hoạt động để tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện phòng chống dịch theo đúng quy định.
12. Uỷ ban nhân dân các phường, xã:
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng và triển khai công tác phòng chống dịch theo từng giai đoạn phù hợp với thực tế của địa phương.
- Chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và lập dự toán kinh phí chi tiết cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
- Huy động lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch.
- Tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân biết cách tự phòng bệnh và chủ động đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ, tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng.
13. Đề nghị Ủy ban MTTQ và các Đoàn thể của thành phố: Phối hợp với chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp, các ngành, tích cực tuyên truyền cho các đoàn viên, hội viên và vận động nhân dân trong việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, huy động lực lượng tham gia phòng chống dịch khi cần thiết.
14. Chế độ báo cáo:
Các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường, xã thực hiện công tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông Tư số 54/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế gửi về UBND thành phố ( thông qua Trung tâm Y tế dự phòng thành phố theo số điện thoại: 02393.880.665).
Trên đây là kế hoạch phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona, UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Sở Y tế;
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh;
- TT. Thành ủy;
- TT. HĐND thành phố;
- Chủ tịch, các PCT UBND thành phố;
- TT UB MTTQ và các đoàn thể thành phố;
- Các thành viên BCĐ thành phố về phòng chống truyền nhiểm dịch bệnh ở người;
- Các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan;
- Các trường học, các cơ sở kinh doanh khách sạn, Siêu thị trên địa bàn TP;
- Văn phòng HĐND-UBND;
- UBND các phường, xã;
- Lưu: VT,YT. |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Hùng Cường |
Đăng ký thành viên